Theo tin báo Sân Khấu tháng 3/2016, sân khấu cải lương ở VN đang hấp hối. Báo viết “Mỗi năm chỉ có vài vở diễn được ra mắt công chúng, nhà hát đóng cửa, hy vọng lớn nhất dành cho khán thính giả ái mộ bây giờ là các cuộc thi ca cổ trên đài truyền hình và đài phát thanh. Tuy vậy bộ môn cải lương vẫn có đời sống riêng, bởi tình yêu và niềm đam mê của người làm nghề lẫn khán giả luôn mãnh liệt”.
Từ năm 1990, sân khấu cải lương mất dần khán giả vì không có tuồng mới, tuồng do cán bộ văn nghệ của Sở VHTT và của Hội Sân Khấu sáng tác theo định hướng chính trị của đảng không được khán giả tán thưởng nên nhiều đoàn hát tập thể như đoàn cải lương Saigon 1, 2, 3, đoàn Hương Mùa Thu, đoàn Thanh Nga, đoàn Phước Chung, đoàn Huỳnh Long, đoàn Minh Tơ... phải chịu rã gánh. Sở VHTT, Hội Sân Khấu nghĩ là muốn vực dậy sân khấu, phải làm theo như các nghệ sĩ xưa đã làm. Họ cho là “đàn ca tài tử” thu hút khách mộ điệu nên phát triển thành Ca ra bộ rồi tiến dần thành ra sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương trước năm 1975, ở miền Nam có hơn sáu chục đoàn, nghệ sĩ có hàng ngàn và hát đêm nào, rạp cũng đông nghẹt khán giả.
Vậy nên muốn vực dậy sân khấu cải lương thì phải làm cho phong trào đàn ca tài tử phát triển đến các làng, xã, phường, khóm... ở các cuộc lễ, đám cưới, đám ma, họp bạn hay các buổi trà dư tửu hậu, đàn ca tài tử, nhứt là ca vọng cổ là một sinh hoạt văn nghệ không thể thiếu. Từ lập luận đó mới có Chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc ở khu giải trí Đầm Sen, Quận 11, chương trình Đêm Rằm Ca Hát ở khu dưỡng lão nghệ sĩ, Quận 8, chương trình Tuyển Giọng ca Vàng Vọng Cổ của Nhà Hát Trần Hữu Trang, thi tuyển chọn Chuông Vàng Vọng Cổ ở Đài Truyền Hình, Đài Phát Thanh. Từ năm 1990 đến nay, hai mươi lăm năm qua, chuông vàng vọng cổ tuyển chọn được nhiều, nhưng không làm cho sân khấu cải lương có thêm sinh khí.
Trước năm 1975, khi nghe nghệ sĩ ca trên mặt dĩa nhựa hay trên đài phát thanh, không cần thấy mặt, thính giả cũng nhận ra giọng ca đó là của Út Trà Ôn hay Hữu Phước, hay Thành Được hay Minh Cảnh, Tấn Tài... Giọng ca nữ cũng vậy, nữ nghệ sĩ Thanh Hương có giọng ca của Thanh Hương, Út Bạch Lan có giọng đặc biệt của Út Bạch Lan, khi nghe nam hay nữ nghệ sĩ danh ca, thính giả không lẫn lộn giọng ca của danh ca này thành giọng của danh ca khác.
Hàng trên: Út Trà Ôn - Thành Được. Hàng dưới: Út Bạch Lan - Ngọc Giàu
Mỗi người có một giọng nói khác nhau. Nghệ sĩ cũng không ngoại lệ nhưng nghệ sĩ tập luyện, biết cách làm cho giọng nói, giọng ca tăng thêm âm lượng, truyền cảm hơn, đi sâu vào lòng người. Ngoài ra còn có kỹ thuật ca vững nhịp, hiểu biết và có tài thể hiện các thể loại ca, ngâm, hò, lý, các làn điệu Xuân, Ai, Bắc, Oán trong câu ca vọng cổ. Ca chân phương, rõ lời, luyến láy đúng chổ, không tùy tiện uốn éo để tạo nét lạ, không hú lớn hét to, không có ca có kệ như kêu lô tô, không nhừa nhựa như tụng kinh Phật, không vô đầu câu vọng cổ cả trăm chữ không ngừng nghĩ, không ngắt câu theo ngữ pháp.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin điểm phớt qua những đặt trưng của các danh ca vọng cổ; trong những bài viết sau, tôi sẽ viết rõ về tiểu sử, sự nghiệp ca, diễn trên sân khấu, ở dĩa thu thanh và đài phát thanh của từng danh ca vọng cổ mà tôi có dịp cùng cộng tác trong các đoàn hát Tiếng Chuông, Kim Thoa, Thanh Minh, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Đoàn Saigon 1, 2, 3...
Thập niên 30, thời kỳ đàn ca tài tử còn đờn hát phụ họa cho các buổi “hát bóng”, giúp vui thực khách tại các quán ăn, nhà hàng đến lúc phát triển thành Ca ra Bộ và hình thành loại hình hát sân khấu cải lương qua các gánh hát Nam Đồng Ban, Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Tập Ích Ban, các danh ca nữ được ái mộ có: cô Ba Đắc, Ba Định, Hai Nhiễu, Hai Cúc, Bảy Ngọc, Bảy Lung, Tám Sâm, Ba Diêu...
Cô Ba Đắc: Biết đủ các loại bài bản cổ điển. Cô ca rất hay các điệu Oán (bài Tứ Đại Oán: Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga). Cô Ba Đắc ca thính phòng ở Nhà hàng Minh Tân Khách Sạn ngang ga xe lửa Mỹ Tho - Saigon, Rạp hát bóng Casino Mỹ Tho (sau thành rạp hát cải lương Thầy Năm Tú), nhà hàng Cửu Long Giang Saigon đường Espagne sau là đường Lê Thánh Tôn. Cô ca bài Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga với một giọng điệu như có đối đáp nghe rất duyên dáng.
Cô Bảy Ngọc: Sau này qua sân khấu cải lương đổi tên là Cô Bảy Vĩnh Long, nổi tiếng với bài Hành Vân “Nợ duyên gì là cái nợ duyên gì ” trên sân khấu của rạp ông Trần Văn Thiệt ở Vĩnh Long khi cô đi hát cho gánh Xiếc - Ca Ra Bộ Thái Anh Tinh ở Long Hồ. Thập niên 40, 50, khởi điểm của thời vàng son của sân khấu cải lương và của bản vọng cổ với những tên tuổi lẫy lừng ở sàn diễn, dĩa hát, đài phát thanh. Xin đề cập các nữ danh ca:
Cô Tư Sạng: Là diễn viên sân khấu đoàn Trần Đắc, sau chuyên thu dĩa. Giọng ca rất khỏe, truyền cảm, chắc nhịp, nổi danh với các dĩa Tình mẫu tử, Chung Vô Diệm, Mẹ Dạy con, Đêm Khuya Trông Chồng và các bộ nhiều dĩa: San Hậu (vai Nguyệt Kiểu), Tô Ánh Nguyệt (vai Nguyệt), Hoa Rơi Cửa Phật (vai Lan). Cô Tư Sạng được đánh giá là một trong những giọng ca hàng đầu trong địa hạt ca thu dĩa.
Cô Năm Cần Thơ: Ca sĩ chuyên nghiệp ở các hãng dĩa, nổi danh không thua cô Tư Sạng, đặc biệt dĩa ca độc chiếc Chim Họa Mi, cô Năm Cần Thơ được báo chí và thính giả tặng cho mỹ hiệu Chim Họa Mi. Cô Năm Cần Thơ được giới mộ điệu thích qua các bộ dĩa thu thanh Đắc Kỷ Thọ Hình (ca chung với nghệ sĩ Ba Giáo), bộ nhiều dĩa: Mổ tim Tỷ Can, Anh Hùng Liệt Nữ, Tơ Vương Lộn Mối... Làn hơi ngọt ngào, giọng ca thật ấm áp, đặc biệt khi cô Năm Cần Thơ xuống Xề dứt câu 5 vọng cổ và đến song lang đầu của câu 6 với lối trở hơi oằn xuống thật tuyệt vời, được khách mộ điệu khen “mùi có một không hai “. Trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc, thực hiện trên sân khấu ở tầng thượng của rạp Rex trong đầu thập niên 90, cô Năm Cần Thơ đã hơn tám mươi tuổi, cô còn đủ hơi, đủ giọng ca trọn một bài Xuân Tình đáp lời yêu câu của khán giả.
Cô Ba Bến Tre, chuyên ca dĩa, ca đài phát thanh Pháp Á, đài phát thanh Saigon, cô Ba Bến Tre ca thu rất nhiều dĩa, ký giả Trần Tấn Quốc có lần dự lễ cúng Tổ của đoàn Thanh Minh tại rạp hát Thành Xương, anh Trần Tấn Quốc cho mượn vài dĩa hát xưa để hát cho ông bầu Năm Nghĩa, bà Bầu Thơ và nghệ sĩ chúng tôi nghe, trong đó có dĩa ca độc chiếc Khóc Bạn của cô Ba Bến Tre ca. Tiếng ca như đứt quãng, như thể hụt hơi, như gắng gượng, dằn nén nỗi đau từng lúc trào dâng trong lòng. Một nghệ thuật ca hết sức điêu luyện, một lối ca truyền cảm đến lạ lùng. Nghe cô Ba Bến Tre ca tưởng như người ca không hề bị ràng buột nhịp đàn, không cố tình luyến láy. Một lối ca khúc chiết, tưởng không màng đến âm thanh, diễn xuất. Vậy mà giọng ca hết sức giản dị, chân chất như dân ca lại vương vấn mãi trong ký úc của người mộ điệu.
Cô Tư Bé: về kỹ thuật nhịp nhàng, cô Tư Bé có thể nhường các cô Tư Sạng, Năm Cần Thơ, Ba Bến Tre nhưng sức rung động trong lời ca, giọng điệu thật là tuyệt vời. Giọng cô Tư Bé trong mà bi thảm, thính giả ái mộ cô qua bộ dĩa Phạm Công Cúc Hoa (vai Cúc Hoa).
Cô Ba Trà Vinh: Cô thu thanh cho hãng dĩa Asia 20 câu vọng cổ Bên Bờ Hồ và một số bài bản khác; thu cho hãng dĩa Việt Nam – Lê Văn Tài bộ dĩa Máu Nhưộm Chinh Y, Tô Ánh Nguyệt (cùng với Minh Chí, Ba Bến Tre, Tám Thưa); thu cho hãng dĩa Tri Âm tuồng Sống Cao Đẹp, Bổn phận làm trai và nhiều bài vọng cổ ca độc chiếc; thu cho hãng dĩa Hương Quê các tuồng Lá rụng về cội, Kiếp Hồng Nhan, Đời tôi chỉ có một lần. Thời gian này cô Ba Bến Tre là ca sĩ trong Đài Phát Thanh Pháp Á chung vơi các nghệ sĩ Kim Cúc, Tư Bé, Chiêu Anh. Cô Ba Trà Vinh cũng là thành viên trong Ban cổ nhạc Cửu Long của Đài Phát Thanh Sàigòn với các ca sĩ Tám Thưa, Ba Bến Tre, Văn Chung, Bảy Quới, Kim Nguyên, Bạch Huệ. Ngoài ra cô Ba Trà Vinh còn là ca sĩ của các tửu quán có cổ nhạc Kim Chung (Cầu Ông Lãnh), Đại Thế Giới quận 5, quán Lục Cảnh Cầu Muối.
Cô ca ba Nam sáu Bắc, các bài Oán đều hay. Ca vọng cổ, giọng trầm ấm, luyến láy êm như lời nỉ non tâm sự nên thính giả rất ưa thích.
Cô Ba Kim Anh: Chất giọng hiếm có, làn hơi nức nở tự nhiên. Cô ca mà như thở than, tâm sự, bất chấp nhịp nhàng, ca đến song lang bao giờ cũng đúng, chắc nhịp, không bao giờ ca rớt hay xê xích nhịp đàn. Cô nổi danh với dĩa đơn ca Phàn Lê Huê, các bộ dĩa Kim Vân Kiều, Ngày Về Cố Quận. Cô là đào chánh đóng cặp với Út Trà Ôn trên sân khấu đoàn Thanh Minh – bầu Nghĩa và đoàn Kim Thanh (bầu Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga). Ký giả kịch trường tặng cô Ba Kim Anh danh hiệu Quái nữ Vọng Cổ.
Về giọng ca nam trong thời điểm này có thể kể:
Nghệ sĩ Tám Thưa: là ca sĩ chuyên thu dĩa, thu Đài phát thanh (Pháp Á và đài Saigon), nổi danh trong bộ 17 dĩa Tô Ánh Nguyệt (vai Minh), Chiêu Quân Cống Hồ (vai Vua Hán Đế) ca chung với cô Ba Thanh Loan (vai Chiêu Quân). Chất giọng trầm, khàn, kỹ thuật ca lòn hơi (giây đào) nhất là xuống Xề câu 5. Anh Tám Thưa từng hướng dẫn về nghệ thuật ca vọng cổ cho Hữu Phước, Văn Hường khi hai nghệ sĩ này mới bước vào nghề ca kịch năm 1954 - 1955.
Nghệ sĩ Út Trà Ôn: Nổi danh Vua Vọng Cổ từ thập niên 50, đến ngày anh mất, Út Trà Ôn vẫn đứng hàng đầu các danh ca vọng cổ trong cả nước. Thập niên 40, Út Trà Ôn gây tiếng vang như một hiện tượng độc đáo trong làng ca cổ nhạc từ dĩa ca lẻ Sầu Vương Biên Ải, sau đó dĩa Tôn Tẩn Giả Điên, anh ca chen hơi Xuân (lúc lên cơn điên) một phát hiện mới về cách ca vọng cổ, điều này đưa anh đến đỉnh vinh quang. Bài Tình Phụ Tử của soạn giả Quy Sắc là một đóng góp vào bảng thành tích dày cộm của Út Trà Ôn cùng với hai bài vọng cổ để đời: Tình Anh Bán Chiếu và Gánh Nước Đêm Trăng của Viễn Châu ở thập niên 50. Làn hơi cao vút (hò 6) kỹ thuật ca điêu luyện, chắc nhịp, lời ca lắm lúc nhảy múa trên chữ đàn. Út Trà Ôn còn ca rất hay các bài Oán, Nam Ai, Nam Xuân, Xàng Xê, Phú Lục, Duyên Kỳ Ngộ… Có ưu thế về chất giọng, Út Trà Ôn còn chịu khó nghiên cứu và tập luyện diễn xuất trên sân khấu nên anh thành công lớn với các vai hát để đời như vai Ba Mõ Lết (vở Lỡ Bước Sang Ngang), vai ông Cò Hương (vở Tuyệt Tình Ca) vai ông Út (tuồng Tần Nương Thất)… Út Trà Ôn góp công tạo ra thời hoàng kim của sân khấu cải lương, ông nhiều lần thành lập đoàn hát để phát triển nghệ thuật cải lương và ca cổ nhạc (đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn, đoàn Thống Nhất...)
Nghệ sĩ Năm Nghĩa: có làn hơi ngọt lịm, ru hồn, lối sắp chữ trơn tru theo tiếng đàn nên ca nghe rất du dương, êm tai và hòa quyện vào tiếng đàn. Đặc điểm của Năm Nghĩa ca là khi dứt lời ca, tiếng ngân cuối câu 1, 2… của anh là tiếng “hơ, hơ, hơ…” đổ hột chớ không có ngân vuốt nhẹ như các ca sĩ khác. Dĩa ca lẻ giúp đưa tên tuổi Năm Nghĩa bật sáng là bài vọng cổ Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa. Các vở thu dĩa ăn khách mạnh của Năm Nghĩa là Hoa Rơi Cửa Phật (vai Điệp), Đổng Quý Phi (ca chung với cô Năm Cần Thơ), dĩa Phạm Công Cúc Hoa (vai Phạm Công) ca chung với Tư Bé vai Cúc Hoa. Nghệ sĩ Năm Nghĩa thành công lớn khi lập đoàn Hậu Tấn – Năm Nghĩa, đoàn cải lương Thanh Minh – bầu Nghĩa, sau là đoàn Thanh Minh Thanh Nga – bầu Thơ (vợ Năm Nghĩa), đoàn Thanh Minh và đoàn Thanh Minh Thanh Nga có công hướng sân khấu cải lương sáng tác và biểu diễn các tuồng dã sử Việt Nam và tuồng Xã hội Việt Nam (xưa và cận đại) không hát tuồng kiếm hiệp La Mã, tuồng Tàu, Hồ Quảng).
Nghệ sĩ Bảy Cao: Bảy Cao và Năm Nghĩa cùng quê Bạc Liêu, cùng nổi danh đồng thời cùng có khả năng sáng tác tuồng và lập gánh hát, là hai người bạn thiếu thời cùng đam mê đàn ca tài tử ở địa phương. Giọng ca Bảy Cao nhừa nhựa, chậm rãi như thỏ thẻ tâm tình nên được khán thính giả ái mộ. Bảy Cao giữ được nét trẻ trung lâu dài, làn hơi cũng vậy nhưng anh ít thu dĩa hát vì các chủ hãng dĩa cho là làn hơi của Bảy Cao “không ăn điện”. Anh có sáng kiến đưa kỹ thuật thực hiện các tuồng chiến tranh cận đại vô sân khấu qua các tuồng Mộng Hòa Bình, Nợ Núi Sông, Đàn Chim Sắt… và phối hợp điện ảnh với sân khấu.
Nghệ sĩ Thanh Tao: giọng rất trong, mạnh, hơi rộng, ca chân phương nhưng rất truyền cảm, nổi danh qua tuồng Mục Liên Thanh Đề, lập gánh hát Thanh Tao. Về sau rời sân khấu về chùa Nghệ sĩ Gò Vấp tu, pháp danh Thích Quảng Đức.
Có thể nói các nghệ sĩ kể trên là những người góp phần biến đổi bài ca Dạ Cổ Hoài Lang từ nhịp đôi thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, rồi thành bản Vọng cổ để được mọi người (nghệ sĩ và khán, thính giả) xem là “bản nhạc vua” trên sân khấu cải lương, đầy đủ tính chất hấp dẫn, đậm đà và đầy đam mê.. Ngoài ra còn có các giọng ca khác đã góp phần tôn vinh bản Vọng cổ như các nữ nghệ sĩ Năm Kim Thoa, Sáu Nết, Sáu Ngọc Sương, Tư Thanh Tùng, Ba Hui, Ngọc Xứng, Ngọc Trâm, các bạn Hồng Châu, Năm Phồi, Văn Lang, Paul Thuận, Hoàng An, Ba Khuê…
Từ giữa thập niên 50 đến giữa thập niên 70, một thế hệ đông đảo nghệ sĩ trẻ đầy tài năng ca nở rộ. Về diễn xuất còn thua kém các thế hệ nghệ sĩ tiền phong nhưng về mặt ca thì có phần nổi trội hơn. Ta có thể kể: các nữ danh ca Út Bạch Lan, Thanh Hương, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Ngọc Hương, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Hồng Nga, Diệu Hiền, Kim Ngọc, Ánh Hồng, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, các nam danh ca Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Thanh Tú, Thanh Sang, Út Hiền, Tài Bửu Bửu, Phương Quang, Út Hậu, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Hoài Thanh, Thanh Tuấn, và các danh ca chuyên thu đài Thành Công, Chín Sớm, Kim Nguyên, Lệ Liễu, Bạch Huệ...
Nhân tài nhiều quá, có thể tôi không nhớ đủ hết nhưng bằng vào bao nhiêu danh ca vừa kể, họ đã phả vào bản vọng cổ chất kích thích đầy hương vị ngọt ngào làm mê đắm hồn khách tri âm, bản vọng cổ đã làm bệ phóng đưa nghệ sĩ danh ca đến bến bờ quang vinh và kiến tạo một thời vàng son rực rỡ của nghệ thuật sân khấu cải lương thời kỳ trước năm 1975.